VNF: Tập đoàn Xây dựng Delta sẽ đi thế nào trong năm 2022?

(VNF) – “Giá trị backlog năm 2022 là 12.000 tỷ đồng. Ngoài ra, những dự án đã được bàn thảo kỹ lưỡng và đạt được thống nhất với đối tác có giá trị khoảng 25.000 tỷ đồng”, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Delta, ông Hoàng Ngọc Tú, nói với VietnamFinance.

Delta là một trong những tập đoàn xây dựng hàng đầu Việt Nam hiện nay, “ngồi chung mâm” với những Coteccons (HoSE: CTD), Hòa Bình (HoSE: HBC)… Do không niêm yết, câu chuyện kinh doanh của Delta không được giới đầu tư biết tới một cách rộng rãi. Để cung cấp một góc nhìn về con đường đi của Delta trong năm 2022, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Ngọc Tú, Phó tổng giám đốc của tập đoàn này:

– 2021 là năm khó khăn với ngành xây dựng, với riêng Delta thì sao?

Ông Hoàng Ngọc Tú: 2021 là năm khó khăn chung của nền kinh tế nói chung, ngành xây dựng nói riêng và Delta cũng không ngoại lệ. Chúng tôi chỉ hoàn thành được 60% mục tiêu doanh thu. Song, tôi đánh giá đó là một kết quả lạc quan khi chúng tôi đã làm việc linh hoạt thích ứng với dịch bệnh, thậm chí có lúc đỉnh điểm phải giãn cách.

Delta vẫn vững vàng, giữ được đầy đủ nhân lực và đang trong đà đi lên. Những năm qua, chúng tôi đã tập trung phát triển nội lực, cải tổ, cơ cấu lại phòng ban/dự án, nghiên cứu đào tạo và ứng dụng công nghệ trong hoạt động xây dựng cũng như quản lý.

Năm qua, chúng tôi cũng tham gia chống dịch tích cực. Dấu ấn đáng kể nhất là việc xây dựng bệnh viện dã chiến tại Hà Nội chỉ trong 30 ngày trong vai trò tổng thầu thiết kế thi công và đồng tài trợ. Giai đoạn đó, chúng tôi luôn duy trì khoảng 1.000 công nhân tại công trình và đảm bảo không ai bị mắc Covid-19.

– Cá nhân ông và lãnh đạo Delta nhìn nhận thế nào về triển vọng thị trường xây dựng năm 2022?

Kinh tế vĩ mô đã khởi sắc từ quý IV/2021, sang quý I năm nay đã tốt lên rất nhiều. Chúng tôi đã đón nhận những tín hiệu tích cực từ các đối tác. Những dự án trước đây mới chỉ dừng lại ở mức độ kế hoạch thì từ cuối năm ngoái sang đầu năm nay đã bắt đầu được triển khai.

Về khó khăn thì có rất nhiều, bởi thị trường lúc nào cũng tồn tại thách thức: giá cả leo thang, thiếu nguồn cung…. Tuy nhiên, là tổng thầu với nhiều kinh nghiệm, chúng tôi luôn phải dự trù những sự việc như vậy trong kế hoạch của từng dự án.

Cơ hội của chúng tôi trong năm nay khá rộng mở, nhờ thương hiệu có bề dày lịch sử 30 năm, giữ vững được đội ngũ và tập trung sâu vào quản trị. Chúng tôi luôn sẵn sàng đón nhận các dự án trong nhiều lĩnh vực như: dân dụng, công nghiệp, nhà máy, hạ tầng…

Thị trường sau dịch cũng cho chúng tôi một lợi thế vô hình. Ngày xưa làm ăn dễ dàng, doanh nghiệp xây dựng lập ra hàng loạt, cạnh tranh gay gắt với nhau. Trải qua 2 năm dịch bệnh, thị trường đã thanh lọc những doanh nghiệp không đủ tiềm lực. Thị trường chỉ còn các “ông lớn” làm ăn với nhau. Chủ đầu tư nào cũng muốn hợp tác với những doanh nghiệp lớn, có năng lực.

– Vậy năm nay, Delta đề ra mục tiêu thế nào?

Giá trị backlog năm 2022 là 12.000 tỷ đồng. Ngoài ra, những dự án đã được bàn thảo kỹ lưỡng và đạt được thống nhất với đối tác có giá trị khoảng 25.000 tỷ đồng. Đó là khối lượng công việc lớn, đảm bảo doanh thu cho Delta.

Về lợi nhuận, phải nói là lợi nhuận của ngành xây dựng khá eo hẹp. Con số cụ thể xin không được tiết lộ, nhưng có thể thấy rõ “bão giá” sẽ là yếu tố ăn mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp xây dựng. Ngoài ra, nếu chủ đầu tư gặp khó khăn về dòng tiền, nhà thầu sẽ rơi vào cảnh rất khó khăn.

– Vấn đề lớn của doanh nghiệp xây dựng là dòng tiền. Delta đã chuẩn bị phương án tài chính thế nào cho năm 2022?

Chúng tôi luôn đánh giá kỹ lưỡng về mặt tài chính khi nhận dự án. Những dự án, chủ đầu tư có dòng tiền tốt, an toàn thì chúng tôi tiếp tục phát triển. Tất nhiên, trong quá trình làm cũng không tránh khỏi những khó khăn cục bộ, điều quan trọng khi đó là hai bên có thể ngồi lại bàn bạc với nhau, cùng thấu hiểu thì mới có thể giải quyết vấn đề..\

– Trong một thị trường đang cạnh tranh gay gắt về giá, Delta có chiến lược cạnh tranh ra sao?

Phải thừa nhận rằng thị trường nhà thầu những năm qua cạnh tranh khốc liệt về giá, vì có quá nhiều doanh nghiệp. Nhưng chủ trương của Delta từ trước tới nay là luôn cam kết tuyệt đối về chất lượng sản phẩm, tiến độ thi công, chứ không làm bằng mọi giá. Chúng tôi duy trì chủ trương nhận giá phù hợp để đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Điều quan trọng khác là phân khúc khách hàng của Delta nằm ở các doanh nghiệp lớn. Các “đại gia” này hiểu rõ rằng thà chịu chi phí cao hơn để nhận về sản phẩm tốt, bán được giá hơn, còn hơn là chọn giá thấp để phải nhận sản phẩm không ưng ý. Nhờ vậy, Delta luôn là lựa chọn của các thương hiệu phát triển bất động sản lớn thay vì phải cạnh tranh bằng giá.

Chúng tôi cũng là doanh nghiệp phi niêm yết, vì thế cũng không phải chịu áp lực tăng trưởng nhanh như các doanh nghiệp trên sàn. Điều chúng tôi luôn cố gắng là làm sao đảm bảo công việc cho anh em, lợi nhuận ở mức phù hợp để phát triển trong những năm tiếp theo.

– Trên “chiếu làng xây dựng”, Delta có vị trí rất trang trọng. Hai năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp lớn chao đảo, nhiều đơn vị trẻ lại nổi lên. Cuộc chơi và vị trí trong ngành xây dựng của các doanh nghiệp đang được định hình lại. Delta bình luận thế nào về sự đổi thay này và tập đoàn xác định vị thế của mình ra sao trong các năm tới?

Cha ông có câu “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, 2 năm qua là dịp để thị trường đánh giá lại sức mạnh thực sự của các doanh nghiệp, cũng đánh giá lại trật tự của các nhà thầu. Tôi nhận thấy các nhà thầu Việt Nam hiện nay có sự chuyên nghiệp, so với các nước ở Á châu cũng không thấp kém hơn.

2 năm dịch bệnh đã làm cho trật tự sắp xếp của các nhà thầu có sự xáo trộn, tuy nhiên tốp đầu dường như không có sự thay đổi lớn. Sự sắp xếp lại chỉ diễn ra ở tốp 6 – 7 trở xuống. Với riêng Delta, chúng tôi tự tin về nội lực của mình, nhất là sự quy tụ, gắn bó của các nhân tài có tâm và trung thành.

– Delta có định hướng vươn ra quốc tế không?

30 năm nay, chúng tôi làm hàng trăm công trình lớn, nhỏ, cao, sâu, dễ, khó đủ cả. Chúng tôi tự tin không thua nhà thầu nào trên thế giới. Nhưng việc mở rộng thị trường ra nước ngoài cần nhiều hơn năng lực, đó còn là chính sách, cơ chế quản lý con người, an toàn, an ninh… Chúng tôi đã nghiên cứu vấn đề này và luôn có tâm thế sẵn sàng nếu có cơ hội rõ ràng.

– Trước mắt, tập đoàn có kiến nghị chính sách nào cho doanh nghiệp xây dựng?

Bằng nhiều hình thức khác nhau, Delta cũng như các đơn vị lớn trong Hiệp hội nhà thầu đã có nhiều đề xuất, kiến nghị gửi đến các cơ quan của Chính phủ nhằm hoàn thiện thêm về các quy định pháp lý cũng như góp phần nâng cao vị thế của các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam. Ở đây, tôi xin đề xuất ngắn gọn 3 nội dung.

Một là cần có quy định cụ thể và thực tế hơn nhằm giảm nợ đọng trong xây dựng cơ bản, đặc biệt khối tư nhân: ví dụ như chủ đầu tư cần phải thanh quyết toán, giải quyết các công nợ cho các nhà thầu thì mới được cấp “sổ đỏ” (vì lúc đó thì công trình mới thật sự là của chủ đầu tư, của các nhà đầu tư thứ cấp). Hiện nay chưa có quy định nào thật chặt chẽ nên nhiều chủ đầu tư kéo dài thậm chí chiếm dụng vốn của nhà thầu.

Hai là nên có các quy định riêng cho các dự án có vốn đầu tư công- vốn ngân sách và vốn tư nhân, vì thực tế hoạt động xây dựng giữa hai nguồn vốn này đang khác nhau.

Ba là ủng hộ, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ nhiều hơn trong quản lý xây dựng. Các ban ngành cần có các quy định, giải pháp để công nhận các sản phẩm của công nghệ khi các doanh nghiệp áp dụng công nghệ (ví dụ như BIM: các kết quả từ BIM xuất ra trong quá trình thanh quyết toán đối với dự án áp dụng BIM phải đc công nhận một cách chính thức khi thanh tra, kiểm toán).

 

Bài viết liên quan